THỦ THUẬT “THÔI MIÊN” CỦA CÁC KHÓA HỌC LÀM GIÀU
Ông anh tôi là một giám đốc viện đào tạo doanh nhân nổi tiếng tại Hà Nội. Vì lý do nghề nghiệp nên anh hay đến các buổi hội thảo, khóa học nhằm tìm những thầy giỏi để cùng hợp tác hoặc cập nhật tình hình thị trường. Nhờ kinh nghiệm và chuyên môn nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục nên chỉ cần “liếc” qua là anh có thể phân biệt được thầy “xịn” hay “dởm”. Lần đó, anh tôi quyết tâm đến một khóa học để lật tẩy bộ mặt của một ông giáo trình độ chẳng có, nhưng hay “ba hoa chích chòe” và kiếm tiền bạt mạng bằng cách bán cho học viên những khóa học chuyên sâu vô bổ. Vậy mà điều kỳ lạ là sau ba ngày đào tạo thần kỳ, anh tôi là một trong những người giơ tay để đăng ký tham gia khóa học chuyên sâu (tiếc là ban tổ chức không nhìn thấy và đến thu tiền đăng ký). Khi vừa bước chân ra khỏi hội trường, anh tôi sực tỉnh và nhớ đến mục đích ban đầu của mình trước khi đến khóa học. Đây là câu chuyện quen thuộc của rất nhiều người tham gia những khóa học trở thành triệu phú hay làm giàu. Khi anh tôi với mục đích rõ ràng và có chuyên môn còn bị “thôi miên” thì những “con cừu” ngơ ngác đang tìm kiếm một bí kíp làm giàu bị lừa là điều…tất yếu.
Nguồn: Vũ Minh Trường
PHẦN 1: THỦ THUẬT “THÔI MIÊN” CỦA CÁC KHÓA HỌC LÀM GIÀU
Các bạn hãy nhớ hội thảo mà các bạn tham gia là một chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu từ hội trường đến âm thanh, ánh sáng. Mọi chi tiết nhỏ đều được ban tổ chức quan tâm để hướng tới mục đích cuối cùng…moi tiền từ các bạn. Và bạn bị đưa vào “ma trận” ngay từ trước khi bắt đầu học.
1, “Đào tạo gia tốc” hay “Mê hoặc gia tốc”?
Bất kỳ con người nào đều có thói quen, môi trường sống riêng và trong môi trường đó bạn sẽ tỉnh táo, phát huy hết thế mạnh của bản thân. Tại sao các khóa học gia tốc – đào tạo ba ngày liên tiếp, 18h/ngày lại được các “kịch sĩ” yêu thích đến vậy? Vì nó đủ lâu để bẻ gãy thói quen, môi trường, nếp sống hàng ngày của các bạn. Các khóa học sẽ diễn ra từ sớm và giờ ăn trưa hôm đầu tiên sẽ là 2h chiều. Những ngày tiếp theo sẽ là 3h chiều, rồi 4h chiều. Nhịp sinh học của bạn sẽ bị thay đổi và phải hoạt động đến 3-4h sáng. Thông qua những hoạt động tập thể và “thôi miên cường độ cao” những thói quen, hành vi mới sẽ được “kịch sĩ” tạo nên cho bạn. Những hành vi này là tham gia vào tập thể, quyết định (mua hàng) nhanh, vượt qua mọi rào cản (cảnh báo) của bản thân. Sự đảo lộn về nhịp sinh học và hoạt động nhiều khiến các bạn bị mệt mỏi. Lúc này, bạn sẽ hành động theo đám đông và mất đi tư duy cá nhân. Lừa cả trăm người thì dễ hơn lừa một người vì cả đám đông sẽ chi phối quyết định cá nhân của bạn, đẩy bạn theo dòng nước.
2, Cả hội trường là một sân khấu lớn
Hội trường các bạn bước vào là một khung cảnh hoành tráng. Mọi thứ đều hào nhoáng để thể hiện đẳng cấp của “kịch sĩ”. Đặc biệt, bàn ghế màu đỏ, thảm đỏ,…mọi thứ đều màu đỏ. Màu đỏ là màu của quyết định, của động lực. Nó sẽ góp phần tạo hưng phấn và khiến các học viên móc hầu bao. Ánh sáng, loa đài lớn để cuốn mọi người tham gia vào chương trình. Tất cả những bài nhạc, tiếng vỗ tay (đôi khi được phát ra từ loa) trong chương trình kèm với ánh sáng chiếu vào “kịch sĩ” đều được lên kịch bản chính xác trong từng phần chương trình. Âm thanh và ánh sáng, cùng tông giọng phải hài hòa, nhịp nhàng để khiến người tham gia phải khóc khi nghe những câu chuyện buồn (nhạc êm đềm, suy tư, đèn mù mờ hoặc tắt) và cười lớn khi nghe chuyện vui (nhạc đầy năng lượng, đèn sáng).
Trên hết, hội trường sẽ được thiết kế đặc biệt và không hề có cửa sổ. Nếu hội trường có cửa sổ thì bìa cứng sẽ được che chắn, dán băng keo đen và che dèm dày để ánh sáng không thể lọt được vào. Trong hội trường không bao giờ có một chiếc đồng hồ treo tường. Tất cả những đều đó sẽ khiến các bạn bị mất khái niệm về thời gian và tham gia chương trình không hề biết mệt mỏi. Những sòng bạc trên thế giới đều được thiết kế tương tự khiến những con bạc khát nước chơi thâu đêm suốt sáng, quên hoàn toàn khái niệm thời gian. Hơn nữa, trong một sân khấu kín như bưng thì người “kịch sĩ” mới có thể điều khiển mọi yếu tố âm thanh, ánh sáng một cách tuyệt đối được. Điều khiển môi trường là một trong những yếu tố quan trọng để tác động đến hành vi của cá nhân.
Tất cả những sự dàn dựng đó đều nhằm hỗ trợ cho công cuộc thôi miên học viên trong suốt chương trình. Những thủ thuật thôi miên sẽ được tiết lộ trong phần tiếp theo của series bài viết.
PHẦN 2: NGÔN TỪ VÀ NHỮNG TRÒ CHƠI THÔI MIÊN TRONG KHÓA HỌC LÀM GIÀU
Sau khi sắp xếp sân khấu thật hoành tráng với cấu trúc đặc biệt để phục vụ cho công việc “diễn” của mình (phần 1: https://goo.gl/Aiq6io), “kịch sĩ” bắt đầu mở màn chương trình.
1, Tập thể dục (nhảy nhót, chơi trò chơi, hi-five…)
Trước khi cài đặt hay truyền thụ bất kì điều gì cho khán giả, đầu tiên “kịch sĩ” cần phá bỏ rào cản vật lý và tâm lý của khán giả. Con người ai cũng có một khoảng không gian an toàn xung quanh mình (lãnh thổ). Nếu một người lạ vô tình vi phạm khoảng không gian đó thì chúng ta sẽ khó chịu, đề phòng. Các trò nhảy nhót ban đầu giúp khán giả giải phóng năng lượng, kích động rồi sẽ tiếp thực hiện những hành động mà “kịch sĩ” yêu cầu. Đấm lưng, bóp vai, bắt tay… người bên cạnh sẽ giúp chúng ta hạ thấp hàng rào phòng thủ vật lý để tiếp thu “vở diễn” và là tiền đề tham gia vào đội nhóm sau này.
Lừa hàng trăm người thì dễ hơn lừa một người khi hàng rào tâm lý được loại bỏ. Những người tham gia chương trình chia làm hai loại: đi cùng đội nhóm hoặc đi một mình. Để người tham dự dễ bị chi phối bởi đám đông và không bị chán bỏ về giữa chừng thì “kịch sĩ” sẽ cho người tham gia chơi một số trò chơi tạo đội nhóm. Các trò chơi có thể đơn giản như thi xin số điện thoại vì các bạn tới đây còn để mở rộng mối quan hệ. Khi con người thuộc về một đội nhóm thì họ sẽ hành động theo đội nhóm.
Có một học viên từng nhận xét về “kịch sĩ” như sau: “Em chưa bao giờ gặp một người dạy hay như thầy. Trước đây, em cứ đi học là buồn ngủ. Riêng với thầy thì học 18h/ngày mà vẫn vô cùng tỉnh táo.” Đọc dòng nhận xét tôi thấy buồn cười. Cả một chương trình, “kịch sĩ” bắt bạn hi-five, giơ tay nói “tôi”, nhảy nhót, tập thể dục liên tục. Khi bạn tập thể dục thì tim đập nhanh và máu bơm lên não. Não được bơm nhiều máu sẽ luôn tỉnh táo chứ chẳng phải do trình độ sư phạm hay kiến thức xuất chúng của “kịch sĩ”.
2, Nổ rất to về bản thân
Để xây dựng niềm tin, “kịch sĩ” sẽ nổ tầm 15-30 phút về sự nghiệp bản thân, là giám đốc, cổ đông, nhà tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp với doanh thu hàng triệu đô. Nếu “kịch sĩ” “thân thiện” thì bạn có thể biết luôn là anh ta vừa đi du lịch ở đâu, đi xe gì, có bao nhiêu căn biệt thự, penthouse và vô số điều mà chẳng ai có thể kiểm chứng. Họ sẽ tự đặt cho mình những biệt hiệu vô cùng mỹ miều như là “Thần A”, “Ông hoàng A”, “Nữ hoàng B”, “Người tạo nên triệu phú”,…Ngoài mục đích định vị bản thân, họ làm người nghe choáng ngợp, mê muội và ước mơ có được cuộc sống giống như “kịch sĩ”. Với một nhóm người mê muội và khát khao, các lớp học thậm chí còn bị tôn giáo hóa khi các tông đồ quá kính ngưỡng “giáo chủ” của mình.
Họ có thể chia sẻ một số thông tin cực khó kiểm chứng để tô hồng mình:
-Là bậc thầy bán hàng (ai công nhận?) từng đạt tỉ lệ chốt sale 100% (bán cho một người và bán được thì là 100%. Nhưng bao nhiêu lần được 100%? Với bao nhiêu người? Kéo dài được bao lâu?)
-Là học trò xuất sắc của vua bán hàng thế giới (sau khi tham gia một khóa học đại chúng và được cấp chứng nhận đã tham gia). Người thầy giỏi thì hay khoe trò, còn người trò dốt thì hay khoe thầy (vì bản thân mình không có gì để khoe). Vậy nên những tờ chứng nhận đã tham gia hay hoàn thành chương trình mà không có bài kiểm tra chất lượng đầu ra thì cũng đừng tin.
-Có doanh thu hàng trăm tỷ VND/năm. (với doanh nghiệp doanh thu không quan trọng bằng lợi nhuận. Doanh thu lớn mà lỗ bằng cách bán hàng giảm giá thì cũng chẳng ra sao)
-Từng nắm trong tay tài sản hàng trăm tỷ đồng (có thể khi bitcoin, cổ phiếu, đất sốt thì tài sản chị ấy đạt mức đó. Tuy nhiên, lúc đó chị ấy không hề bán mà đợi cơn sốt tiếp tục tăng. Vậy nên giá trị tài sản hàng trăm tỷ của chị ấy là ảo chứ chưa bao giờ là tiền thật cả).
3, Bài học về cốc nước và tự huyễn hoặc bản thân
“Kịch sĩ” sẽ bắt đầu bằng câu nói: “Khi các bạn muốn học thì các bạn sẽ luôn học được điều mới. Hãy học như những đứa trẻ để hấp thu toàn bộ kiến thức. Bỏ lại những điều bạn đã biết, đổ đi để học điều mới. Nếu bạn học với tâm thế phán xét thì sẽ chẳng học được gì đâu.” Câu nói này không sai nhưng nó cũng cài đặt vào đầu bạn một điều – “kịch sĩ” không bao giờ sai, chỉ có tâm thế của bạn chưa đúng. Vậy nên có những khóa học, tôi tham dự hai lần. Một lần để dùng lý trí để phân tích, một lần tôi sẽ hòa mình để kiểm tra cảm xúc.
Những điều “kịch sĩ” rao giảng bao giờ cũng rất đúng, thậm chí vô cùng đơn giản nhưng mơ hồ. Ví dụ như để thành công thì chúng ta phải chính trực, đặt khách hàng là trung tâm nhưng không bao giờ nói cụ thể làm thế nào để khách hàng là trung tâm và khi đó điều gì cần làm, sẽ tạo ra kết quả ra sao? Bí quyết làm giàu thực sự là cắt mác Trung Quốc và dán tem Việt Nam thì sẽ không bao giờ được tiết lộ.
Bản chất con người là luôn tự suy diễn và tin vào những điều mơ hồ. Ai sinh ra cũng có một sứ mệnh và đi theo tiếng gọi của vũ trụ bạn sẽ thành công. Nhưng sứ mệnh là gì thì rất mơ hồ và phải người thầy cực giỏi mới có thể giúp bạn tìm ra được. Đôi khi, những kiến thức “kịch sĩ” nói rất sơ đẳng, các bạn đều biết nhưng luôn tự huyễn mình là chắc có giá trị đó mình chưa tìm ra nên phải càng cố lắng nghe, càng cố tự suy luận ra những điều cao siêu. Hơn nữa, khi cả đội nhóm có vẻ đều học được một điều gì đó (thực ra họ cũng giống bạn) thì mình đang là kẻ sai, nếu nói ra sẽ bị coi thường và cô lập. Tóm lại là tâm thế bạn sai, bạn kém cỏi nên không hiểu được sự huyền diệu trong bài giảng. Bạn chưa thể hiểu được “tầm” của “kịch sĩ”. Bạn có áp dụng và thất bại là do bạn chưa kiên trì, nỗ lực, hiểu sai bài giảng chứ “kịch sĩ” thì luôn đúng.
Cuối cùng, kiến thức rồi sẽ qua đi chỉ có cảm xúc ở lại. Những điều bạn được nghe nhưng không áp dụng, thực hành liên tục thì sẽ bị quên sạch trong vòng 3 tháng. Những điều “kịch sĩ” biểu diễn bạn sẽ quên nhưng cảm xúc vui sướng trong buổi trình diễn thì sẽ nhớ mãi. Rồi cuối cùng khi người xung quanh hỏi gì về “kịch sĩ”, bạn sẽ trả lời là “dạy rất hay, rất vui”.
Các chiêu trò lừa đảo của các khóa học sẽ được tiết lộ trong phần tiếp theo của series.
PHẦN 3: NHỮNG TRÒ LỪA ĐẢO TINH VI TRONG KHÓA HỌC LÀM GIÀU
Sau khi tất cả những người xem đều trầm trồ, chìm đắm trong những tiết mục nghệ thuật của “kịch sĩ”, tiết mục chốt show của chương trình sẽ được trình diễn…“tiết mục bán hàng”!
1, Sức mạnh của chim mồi
Đóng góp cho sự thành công của chương trình sẽ thật thiếu sót nếu không kể công sức của…dàn “chim mồi”. Những người này được gọi bằng danh xưng mỹ miều như “đại sứ thành công”, “thiên thần giàu có” hoặc đơn giản là “tình nguyện viên”. Nhiệm vụ của họ là vỗ tay cổ vũ, la hét, nhảy nhót, đập tay để “mồi” đám đông, thực hiện chính xác những gì “kịch sĩ” yêu cầu nhằm duy trì năng lượng đỉnh cao và hiệu ứng bầy đàn xuyên suốt chương trình. Kịch bản bán hàng trong chương trình 3 ngày như sau:
-Ngày 1: Họ sẽ bán những thứ rất rẻ để tạo hành vi mua hàng như sách, áo với giá chỉ khoảng 50-100 ngàn đồng. “Kịch sĩ” kể về cuộc đời khó khăn và sự vươn lên thành công của mình. Tất cả những những bí mật, góc khuất cuộc đời của “kịch sĩ” đều sẽ được chia sẻ trong cuốn tự truyện bản thân bên cạnh những cuốn sách đầy giá trị cuộc sống, kinh doanh mà “kịch sĩ” dày công chắt lọc. Ngay sau tiếng hô, toàn bộ “chim mồi” sẽ chạy về khu mua sách để tạo hiệu ứng đám đông và khẩn cấp. Họ sẽ liên tục la hét “chị mua nhanh đi để em còn mua!” và đôi tay dang rộng để đẩy nhiều người về khu vực bán sách. Dưới tiếng thúc giục của người bên cạnh, dưới cái nhìn chằm chằm vào mình từ “kịch sĩ” trên sân khấu, cùng thời gian giới hạn, liệu bạn có thể không mua?
-Ngày 2: Chương trình sẽ bán một khóa học tầm trung với giá 3-4 triệu đồng cùng số lượng có hạn và sẽ hết rất nhanh. Đôi khi họ không thông báo giá và chỉ công bố giá trị sau khi bán. Sau khi mua, người mua sẽ được tặng combo vô số giá trị như sách, tài liệu, mời người thân đi học cùng…thậm chí miễn phí khóa học vì bạn là người dám hành động. Tiếp đó, “kịch sĩ” sẽ luôn nói về khóa học và sự dám làm để cho những người chưa dám hành động tiếc đứt ruột. Nếu không có người mua thì “chim mồi” sẽ mua.
-Ngày 3: Đây sẽ cú chốt sale thần thánh trong toàn bộ chương trình. Dựa vào doanh số của ngày 1 và ngày 2, “kịch sĩ” sẽ có công thức để tính được khóa học trăm triệu ngày cuối cần giảm giá bao nhiêu phần trăm để tạo hành vi mua hàng. Trước khi bán 30 phút, nhiệt độ căn phòng được hạ xuống thấp nhất để tiêu hao năng lượng của khán giả. Gần sát giờ bán, toàn bộ hội trường sẽ được nhảy nhót để thay đổi trạng thái, tạo sự phấn khích. Đơn giản vì chẳng ai ra quyết định quan trọng (mua hàng) trong trạng thái mệt mỏi, phòng vệ cả. Hơn nữa, việc nhảy nhót sẽ tiêu hao nốt số năng lượng còn lại. Khi cơ thể rơi vào trạng thái suy yếu năng lượng, toàn bộ năng lượng còn sót lại sẽ được dùng cho hoạt động duy trì sự sống (hít thở, đập tim,…) và hoạt động sinh tồn (dồn vào tay chân để chạy nếu có nguy hiểm). Do đó, não lúc này sẽ chẳng có chút năng lượng nào để suy nghĩ, tư duy minh mẫn. Những công thức cũ sẽ được áp dụng như giảm giá cực sâu trong thời gian giới hạn và có ưu đãi, hứa hẹn vô cùng lớn. Có “kịch sĩ” còn hứa hẹn sẽ kèm cặp, định hướng cho con cái bạn trong tương lai vì các bạn có ít thời gian do mải mê kiếm tiền???
2, Hái quả sắp rụng và đếm cua trong lỗ
Một ông hoàng về bán hàng luôn tự nhận mình là một trong số ít người có thể giúp các bạn làm ra tiền ngay trong chương trình. Sau một hồi thuyết giảng, ông ấy sẽ cho các bạn 10 phút bán hàng qua điện thoại và bạn không được bán cho người trong hội trường. Vậy trong 10 phút ngắn ngủi bạn có thể làm được gì? Bạn sẽ gọi điện tới tất cả khách hàng sắp mua hàng và đưa ra một mức chiết khấu, giảm giá cực sâu, thậm chí chấp nhận lỗ nhưng anh chị phải quyết định thật nhanh trong vài phút đồng hồ. Đây là kĩ thuật “hái quả sắp chín” cao cấp. Vì những người bạn liên lạc là những khách hàng được chăm sóc, thân quen và trung thành trong quá trình lâu dài trước khi tham dự lớp học. Sẽ chẳng ai trong 10 phút ngắn ngủi bán hàng mà lại liên lạc với khách hàng hoàn toàn mới. Bỏ qua công sức các bạn chăm sóc khách hàng bấy lâu, tất cả doanh thu sẽ được ghi nhận là thành quả của “kịch sĩ” khi thúc đẩy các bạn vượt qua bản thân. Một điều nữa, trong thời gian ngắn thì thủ thuật bán hàng duy nhất các bạn sẽ dùng là giảm giá thật sâu. Nếu cứ giảm giá là bán được hàng thì cần gì đi học và ai cũng là thiên tài bán hàng. Người thầy chân chính sẽ giảng cho bạn biết nguyên lý các bạn bán được hàng là tạo sự “khan hiếm tài nguyên” (giảm giá sâu chỉ xuất hiện rất ngắn) chứ không “giáo điều” rằng kết quả đến từ sự dám làm và vượt qua bản thân.
Một số “kịch sĩ” còn đi xa hơn khi giở thủ thuật “đếm cua trong lỗ”. 10 phút vừa rồi bạn bán được 5 triệu đồng. Vậy một ngày 8h sẽ là 240 triệu đồng, một năm sẽ là 72 tỷ đồng. Rồi trong lớp có 100 học viên sẽ tạo ra doanh thu 7200 tỷ, đóng góp được bao nhiêu % GDP cho Việt Nam. Chỉ cần bạn tỉnh táo một chút thì sẽ hiểu không bao giờ doanh số bán hàng có thể đều như vắt chanh theo bài toán. Đặc biệt với lý do phía bên trên thì 5 triệu đồng doanh số bán hàng sẽ không bao giờ lặp đi lặp lại như vậy. Ấy vậy mà, cái chiêu trò võ đoán số liệu này vẫn làm nhiều người “hoa mắt chóng mặt”.
Cuối cùng, kết thúc khóa học sẽ là những lời chào bán khóa học chuyên sâu hoặc mời học viên tham gia đầu tư tiền ảo, cổ phiếu, kiếm tiền từ internet (MMO), bất động sản…hoặc đưa tiền cho “kịch sĩ” đầu tư. Nếu khi tham gia mà các bạn cần nhập mã người giới thiệu thì chắn chắn là mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng. Hãy sáng suốt khi chọn người thầy cho mình, xin tư vấn từ những chuyên gia đầu ngành nếu không…những người tự tin mình không bao giờ bị lừa là những người dễ lừa nhất.