Khởi đầu từ 1 bài post khá tiêu cực trên mạng của một bạn kiến trúc sư nữ
Sau đây, ADMIN tôi xin tổng hợp các lí do chính khiến nghề kiến trúc sớm nở chóng tàn như vậy tại môi trường thiết kế ở Việt Nam. Các bạn lưu ý, đây là bài viết thêm tổng hợp từ các cuộc phỏng vấn của các kiến trúc sư trên hệ thống kientruc.com và trên fanpage Bản Đồ Kiến Trúc Sư Việt.
1.Không có mối quan hệ "khủng"
Chuyện này chỉ áp dụng với các công trình lớn.Ở Việt Nam sẽ không có khái niệm thi đấu 1 cách công bằng các phương án lớn với nhau để chọn ra một phương án ok nhất về mặt kiến trúc nhất đâu nhé. Với các công trình dạng này, bạn nên tập trung chăm sóc chủ đầu tư hơn là tập trung lên phương án thiết kế của mình.
Thế nên mới có chuyện các cuộc thi kiến trúc , chủ đầu tư chấm Đồng Giải Nhì, để các đơn vị đó tự đi đêm với chủ đầu tư tiếp. Mình đã chứng kiến nhiều kiến trúc sư tâm huyết tham gia các cuộc thi này nọ để hi vọng có cơ hội được trúng thầu một dự án lớn nhưng kết quả bây giờ cũng phải chuyển hướng sang làm lĩnh vực gần giống kiến trúc mà thôi.
Vị kiến trúc sư đó chốt lại: Ở Việt Nam, kiến trúc sư nào trụ được với nghề không phải do thông minh hay tài hoa gì mà là do chịu khổ và nhẫn nhịn giỏi nhất.
Các kiến trúc sư giỏi thực sự không mặn mà các cuộc thi công khai nữa nên các đơn vị tư vấn thiết kế hầu như tham gia với các sản phẩm chất lượng thấp. Các sản phẩm đó là kết quả của các bạn kiến trúc thực tập tại công ty đó nên chất lượng các thiết kế công ty Việt thường không cao. Mấy công ty tham gia các cuộc thi mục đích chính là tạo động lực cho các bạn và thêm vào hồ sơ năng lực đã làm công trình như này trong CV là chính chứ không hi vọng việc trúng thầu và thi công.
Vì vậy các bạn thấy hầu hết các công trình lớn Việt Nam là do các đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài đảm nhận là chính. Nên nếu ai đó có mong ước mình sau này sẽ là Tadao Ando hay Norman Foster tại Việt Nam xin hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đi theo con đường vô cùng gian nan này. Theo mình biết hiện tại duy nhất tại Việt Nam có kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và Hồ Thiệu Trị mới đạt đến đẳng cấp đó.
Tất nhiên với các công trình lớn nhưng chủ đầu tư là tư nhân thì vẫn luôn có cơ hội cho tất cả các văn phòng thiết kế. Nhưng có quen biết vẫn dễ xơi hơn !!!
2.Kỹ năng marketing online thiếu
Với các công trình nhà dân, các kiến trúc sư nhất thiết phải nắm được những kỹ năng cơ bản của quảng cáo Google, SEO từ khóa để tuyển người phù hợp. Quảng cáo FB cũng ok, nhưng cách thức này chỉ phù hợp với khách hàng chung cư hay có ngân sách từ 3 tỉ trở xuống để làm nhà thôi.
Rất tiếc là đa phần các kiến trúc sư trẻ lại không biết kỹ năng này. Hoặc khi biết rồi lại không đủ ngân sách chạy quảng cáo 1 trong 2 kênh trên.
VD: Google Adword bạn cần cỡ 20tr/ tháng. Facebook Ad bạn cần cỡ tối thiểu 10tr/ tháng
Vậy là các bạn kiến trúc sư trẻ hầu hết đi theo con đường là nhận việc thuê từ các công ty thi công hoặc công ty kiến trúc khác với giá rẻ-như-cho để tồn tại.
Dịch vụ thiết kế đầy đam mê của bạn làm sao cạnh tranh được với một công ty thi công hơn 10 năm kinh nghiệm xây dựng với dịch vụ Free thiết kế để trọn gói thi công được cơ chứ.
Tiền thiết kế đã ít lại còn giảm % thông qua một bên trung gian. Vậy các bạn kiến trúc sư trẻ không bỏ nghề hơi phí !!!
Một xu hướng mà các bạn Kiến Trúc Sư trẻ nên làm ngay-bây-giờ là xây dựng thương hiệu cá nhân thật tốt. Ở Hồ Chí Minh, mình thấy có kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền và kiến trúc sư Lê Hưng Trọng làm rất tốt điều này. Kinh nghiệm chia sẻ thì tốt nhất các bạn nên follow trang cá nhân của 2 kiến trúc sư này để học hỏi. Riêng anh Phạm Thanh Truyền thì bạn nên follow trang youtube, fanpage, zalo nữa để cuối cùng chọn ra con đường thích hợp của bản thân mình. (Lưu ý đây là đoạn quan trọng nhất của cả bài viết này, các bạn kiến trúc sư trẻ - muốn gắn bó với nghề, 10 năm sau làm như vậy sẽ nghiệm ra điều đó thôi)
3.Khả năng lập team không chuẩn
Đối thủ công ty kiến trúc không phải là các công ty kiến trúc (công ty A) mà là các công ty thi công và các showroom nội thất (công ty B). Tại sao lại như vậy là vì:
- Công ty A sống chủ yếu bằng thiết kế phí, công ty B sống không cần thiết kế phí mà sống bằng doanh thu bán sản phẩm. Bạn là khách hàng với kinh tế hạn hẹp, dịch vụ công ty B cũng đáp ứng 70% nhu cầu thẩm mỹ của bạn rồi, tội gì bạn mất thêm 50 củ thuê kiến trúc sư làm gì?
- Công ty A được thành lập bởi các kiến trúc sư trẻ, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và kĩ năng marketing không có, chỉ được mỗi cái yêu nghề và vẽ đẹp. Đây là cái mà khách hàng chủ nhà không thấy. Họ chỉ thấy được dịch vụ chu đáo, khuyến mãi nhiều, công ty trông hùng hậu, cơ sở vật chất rõ ràng. Điều này các công ty B có thừa.
- Các công ty A thường mở được 6 tháng - 1 năm thì tèo vì không kiếm được nhiều khách duy trì. Toàn công ty yểu mệnh thì cạnh tranh với nhau chả tác dụng gì. Chi bằng đoàn kết phân chia làm các hạng mục khác nhau của cũng một công trình để vượt qua 3-5 năm đầu khó khăn của các công ty trẻ còn tốt hơn. VD công ty A1 chuyên về Hiện Đại nhưng gặp khách đúng gu Tân Cổ Điển thì nên bắn khách về cho công ty A2 chuyên kiểu Pháp Cổ rồi phân chia lợi nhuận thì sẽ tốt đẹp và an toàn hơn rất nhiều phải không?
- Các công ty B thường lấy các thiết kế không phải của mình (từ của công ty A) để xây dựng một profile hoành tráng và chạy quảng cáo ầm ỹ để vớt khách. Rất ít khi có chuyện các kiến trúc sư lấy công trình người khác làm công trình của mình trên trang cá nhân nhưng chuyện một website hay fanpage các công ty B lấy sản phẩm người khác thành của mình là chuyện như cơm bữa.
Tuyệt đối không nên mở một công ty kiến trúc mà có 2-3 ông học kiến trúc cùng góp tiền mở. Mình chứng kiến nhiều team như vậy rồi, kết quả sau 2-3 là đường ai người đó đi vì bất đồng tư duy kiến trúc hay cách làm việc.
Nhưng nhiều bạn sinh viên trẻ hay mắc sai lầm này nên công ty duy trì được 1 năm là chán nghề, nhảy sang mảng kinh doanh hoặc nhảy sang hẳn nghề khác luôn. Hãy mở một công ty kiến trúc bằng 1 team 2 người kết hợp có skill khác mình: kiến trúc-thi công, kiến trúc-quảng cáo, kiến trúc-tài chính … thì kết quả sẽ tươi sáng hơn rất rất nhiều so với team kiến trúc-kiến trúc hay kiến trúc-nội thất.
4.Có quá nhiều hướng đi mới đề tồn tại trong môi trường khắc nhiệt ở Việt Nam
- Thứ nhất là dạy học. Bạn có thể không tin chứ mình quen mấy bạn kiến trúc sư mở lớp dạy 3DMax, Sketchup một năm kiếm 500-1 tỷ là chuyện bình thường. Tất nhiên , bạn vẫn có thể mở công ty kiến trúc song song để thỉnh thoảng vẫn cho bạn bè trên face biết mình vẫn đang-làm-nghề-cơ-mà . Nhưng nguồn thu chính vẫn là công việc ươm mầm các kiến trúc sư tương lại đâm đầu vào con đường tăm tối không lối thoát này.
- Thứ hai là gia công diễn họa cho các công ty nước ngoài. Trường hợp này dành cho các bạn có khả năng diễn họa đẹp như trong tranh hay làm. Nếu bạn có thằng bạn nào đó rất hay up các sản phẩm đẹp mê li nhưng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì khả năng cao nó đang kiếm tiền từ việc đó rồi. Làm một phép toán đơn giản, các công ty nước ngoài làm mô hình xong và đã được nhận chỉ huy công trình. Họ chỉ mất 5000-7000 USD là thuê được 1 team diễn họa đẹp của Việt Nam chạy hết vài chục view phối cảnh. Mức lương đó chỉ bằng lương thuê 1-2 bạn kiến trúc sư nước ngoài. Tội gì không thuê nhân công Việt Nam giá rẻ, phần mềm được crack sẵn sàng,...
- Thứ ba là bán những sản phẩm liên quan đến nội thất, vật liệu xây dựng song song là vẫn có một văn phòng kiến trúc nho nhỏ trong đó để chứng minh rằng mình vẫn yêu-nghề-đây-nè. Và rồi với vòng quay cạnh tranh của các công ty thi công khác, chính các bạn này cũng sẽ đưa ra chính sách miễn phí thiết kế để bán được hàng mà thôi. Doanh thu bán hàng và thi công dư sức lời hơn một hợp đồng thiết kế cơ mà....
- Thứ tư là có rất nhiều các công ty thiết kế nước ngoài mở chi nhánh ở Việt Nam với một mức lương gấp 3-4 lần các công ty kiến trúc Việt Nam thuê các kiến trúc sư trẻ. Thực ra làm việc ở các công ty nước ngoài cũng tốt với nhiều người khi bạn được có thu nhập cao và tăng cường khả năng tiếng Anh nữa. Nhưng qua đó gián tiếp đẩy các công ty kiến trúc Việt bị ảnh hưởng trong quá trình tuyển dụng. Công ty Việt ít nhân tài nên chất lượng thiết kế cũng giảm dần cũng như không thể nhận nhiều dự án cũng một lúc.
5.Do chủ nhà Việt Nam
Thu nhập bình quân đầu người của dân Việt Nam là 2.747 USD/năm (2018).
Trong khi so sánh các nước xung quanh mình có nền khí hậu tương tự sẽ thấy sự khác biệt cực lớn Trung Quốc (10.841 USD), Thailand (7.470 USD), Sing (63.363 USD), Malai (12.601 USD), Indo (4.260 USD)
Nguồn: Tại đây
Như vậy dù muốn hay không thì các bạn kiến trúc sư phải … đợi thêm một thời gian nữa may ra mới phổ cập tư duy kiến trúc cho toàn bộ dân Việt Nam được. Vậy nên các kiến trúc sư phải tập trung phải 10% dân số kiếm được nhiều tiền thì may ra. Nhưng kể cả tập trung vào số lượng đó, các kiến trúc sư trẻ sẽ gặp một số vấn đề như:
- Thứ nhất: Các chủ nhà tin ông thợ thi công, thầy phong thủy hơn kiến trúc sư. Vấn đề này nói chung với bạn nào đã làm 3-4 năm thì vô cùng dễ giải quyết vì khi đó kinh nghiệm bạn cũng đủ cân mấy gã thợ thi công và mấy ông thầy phong thủy rồi.
-Thứ hai: không tôn trọng các ý tưởng sáng tạo
Chắc hẳn các kiến trúc sư trẻ thường bị thay đổi phương án rất - rất nhiều lần đúng không. Để ngăn chặn điều này các bạn nên làm một hợp đồng cực kỹ về vấn đề này .
Hoặc xem chi tiết video chia sẻ bạn Ngô Trung tại link dưới đây để nắm được một số chiêu thức cơ bản trong quá trình chốt khách.
Link: Chia sẻ kinh nghiệm nghề thiết kế khi gặp chủ đầu tư
- Thứ ba: Hay nhờ tư vấn chán chê, bắt làm phương án rồi … không làm nữa nhưng vẫn nhờ bên thi công làm tiếp những ý tưởng của bạn.
Trường hợp đơn giản là các Kiến Trúc Sư trẻ nên BẮT BUỘC YÊU CẦU khách hàng đặt cọc trước ít nhất 5 củ rồi mới làm. Đóng tiền đến đây thì làm đến đó.Nếu khách hàng nào không chịu yêu cầu đó thì bạn cũng đừng có tiếc nuối làm chi.
Đến 5tr mà họ còn tiếc thì sao đảm bảo họ sẽ trả bạn đủ thiết kế phí?
-Thứ tư: Hay nhờ thiết kế free vì có quan hệ thân thiết, họ hàng
Với những bạn chưa có công trình đầu tay thì nên nhận và làm cho đến khi bạn tự tin hơn.
Với những bạn có kinh nghiệm rồi thì nên từ chối vì kêu dạo này mình bận lắm. Chuyện này khá là tế nhị nhưng đây là vấn đề khiến tâm hồn bạn không thoải mái thì làm sao tạo ra một sản phẩm giá trị được. Từ chối là phương án tốt nhất.
(sẽ bổ sung trong tương lai)
Ngoài ra còn 1 số comment của các KTS để các bạn đọc cho ... vui
………………………………………………………………………………………
Còn rất nhiều lí do khách quan và chủ quan để các bạn thấy rằng, rất là khó để các kiến trúc sư trẻ tập trung một cách trọn vẹn về mặt kinh tế lẫn tinh thần với công việc thiết kế trong thời điểm hiện tại. Các bạn phải làm nhiều việc khác để kiếm tiền về cho vợ con hàng tháng...
Hi vọng các bạn kiến trúc sư trẻ có thể tránh phải những vấp ngã này để yêu nghề và cho ra được nhiều sản phẩm kiến trúc chất lượng hơn.
#ADMIN kientruc.com